Lượt xem: 961

Đề xuất xây dựng hồ chứa nước ngọt đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025

Sáng ngày 5-8, đồng chí Vương Quốc Nam – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng làm việc với Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành và cho ý kiến về phương án đề xuất xây dựng hồ chứa nước ngọt đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021-2025.

 


Quang cảnh cuộc họp.

 

    Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy lợi đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi; kiểm tra chặt chẽ tình hình vận hành các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất; đã đôn đốc thực hiện các công tác thủy lợi nội đồng kết hợp giao thông nông thôn năm 2021. Kết quả, đã thực hiện được hơn 630 công trình, chiều dài trên 740km, tổng kinh phí hơn 48 tỷ đồng. Đồng thời, Chi cục cũng đã tham mưu tốt trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Theo đó, trong những tháng đầu năm, tình hình dông lốc đã làm thiệt hại 203 căn nhà; sạt lở, tràn bờ bao với chiều dài hơn 52km. Đến nay, đã chi hỗ trợ thiệt hại cho 112/203 căn nhà, tổng số tiền hơn 859 triệu đồng, địa phương tự khắc phục 36 căn, còn lại đang rà soát và hoàn chỉnh thủ tục trình cấp trên hỗ trợ trong thời gian tới. UBND tỉnh đã công bố tình huống thiên tai khẩn cấp về sạt lở nguy hiểm bờ sông trên địa bàn huyện Kế Sách. Đồng thời, chi hỗ trợ cho Kế Sách 5,3 tỷ đồng để khắc phục lở đê cồn và chi hỗ trợ 1,3 tỷ đồng cho huyện Long Phú khắc phục sạt lở bờ sông trên địa bàn xã Song Phụng và xã Phú Hữu. Hiện đang tiếp tục phối hợp với các ban, ngành hỗ trợ huyện Kế Sách khắc phục sạt lở trên tuyến Huyện lộ 6. Về xâm nhập mặn, đã phối hợp với Ban Quản lý dự án 2 triển khai nguồn vốn khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ chống hạn và xâm nhập mặn với số tiền 150 tỷ đồng.

    Về phương án đề xuất xây dựng hồ chứa nước ngọt đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 2 nhóm ý tưởng về xây dựng hồ chứa nước ngọt, đó là xây dựng Hồ thuận thiên và Hồ sinh học. Với quan điểm ngành nông nghiệp đề xuất phương án “Xây dựng hồ chứa nước ngọt đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và cấp nước sinh hoạt thuận theo tự nhiên (thuận thiên) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”. Với giải pháp xây đập ngăn mặn, tạo hồ trữ ngọt trên 46 sông, kênh, rạch chính, chiều dài 695,4km, bề rộng mặt kênh bình quân khoảng 32m và khoảng 350km kênh nội đồng, bề rộng mặt kênh bình quân khoảng 20m, sâu bình quân 4m, tận dụng mặt kênh làm  hồ chứa. Tận dụng kênh trục Phụng Hiệp – Sóc Trăng làm kênh tiếp nước ngọt bổ sung từ thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Phương án này, giảm tối đa giải phóng mặt bằng do tận dụng hiện trạng kênh có sẵn, đảm bảo sản xuất 03 vụ cho vùng Long Phú - Tiếp Nhật, Ba Rinh - Tà Liêm, đồng thời chống ngập do triều cường cho thành phố Sóc Trăng và huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên.

    Tại cuộc họp, Chi cục Thủy lợi đã phân tích các ưu - nhược điểm của cả 03 phương án đề xuất về: Vị trí xây dựng công trình, quy mô xây dựng cũng như những tác động và hiệu quả đầu tư. Qua đó, kiến nghị UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét cho chủ trương thuê tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt (dựa vào tự nhiên) kết hợp ngăn mặn, trữ ngọt sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững.

    Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Quốc Nam đề nghị Chi cục Thủy lợi tỉnh cần tập trung quản lý tốt công tác thủy lợi, phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão hiện nay, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng người dân là trên hết. Thường xuyên kiểm tra, duy tu, các công trình thủy lợi, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Về phương án đề xuất xây dựng hồ chứa nước ngọt đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021-2025, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phân tích nhiều vấn đề mang tính gợi mở. Trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng hồ chứa nước ngọt thuận thiên sẽ có ưu điểm là không vướng công tác giải giải phóng mặt bằng, ít làm thay đổi điều kiện cũng như địa chất tự nhiên do tận dụng hệ thống thủy lợi sẵn có. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ các phương án nhằm điều tiết tốt nguồn nước, xem xét vị trí âu thuyền, đảm bảo lưu thông, nhất là tránh xung đột lợi ích giữa các vùng nuôi tôm và vùng trồng lúa, đảm bảo các hoạt động sản xuất. Qua đó, đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị kỹ các phương án cũng như có sự phân tích trong việc lựa chọn phương án làm cơ sở để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xem xét trong thời gian tới.

Ánh Phúc



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 71
  • Hôm nay: 7488
  • Trong tuần: 78,195
  • Tất cả: 11,801,515